Gương sáng về cô giáo vùng cao yêu nghề, mến trẻ
Gương sáng về cô giáo vùng cao yêu nghề, mến trẻ
Trong đội ngũ Cán bộ, giáo viên của ngày giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng có nhiều giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa không quản ngại khó khăn về đường xá, những áp lực trong công việc, trong cuộc sống để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đối với các cô, với lòng yêu nghề và tình yêu thương dành cho trẻ đã giúp họ vượt qua khó khăn để luôn gắn bó với trường lớp và hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ trong trường mầm non.
Một trong số những gương mặt giáo viên được vinh danh giáo viên tiêu biểu của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh năm học 2017 - 2018 là cô giáo Hoàng Thị Thanh. Cô là một trong số những tấm gương nhà giáo trẻ điển hình về tấm lòng nhiệt huyết với nghề, yêu trẻ bằng lương tâm của một người mẹ đã có con nhỏ.
Hình ảnh cô giáo Hoàng Thị Thanh đang dạy các cháu trong giờ học
Cô Hoàng Thị Thanh sinh năm 1985, một cô giáo người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở Đồng Tâm – Bình Liêu – Quảng Ninh – Một trong những xã đặc biệt khó khăn của Bình Liêu.
Năm 2006, Cô ra trường và nhận công tác tại Trường Mầm non Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Sau 8 năm công tác xa nhà, tháng 9 năm 2014 cô được chuyển công tác về gần nhà tại Trường Mầm non Đồng Tâm. Khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2009 là cả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ trong công việc của cô bởi hơn 3 năm trời đi làm, cô chỉ nhận được mức phụ cấp ít ỏi không đủ tiền xăng xe đi lại với mức lương tối thiểu từ 350.000đ – 640.000đ/ tháng, của một giáo viên hợp đồng.
Bên cạnh những đồng lương ít ỏi đó, những ngày đầu giảng dạy cô gặp nhiều bỡ ngỡ với môi trường thực tế. Khó nhất là việc dạy trẻ bởi lẽ 100% trẻ ở lớp đều là dân tộc thiểu sổ, khả năng nghe và nói tiếng Việt của các bé còn hạn chế. Cô và trò bất đồng ngôn ngữ, làm sao để trẻ hiểu được những điều mình nói, để cô có thể dạy trẻ học, rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết cho trẻ. Một phần nữa là do tâm lý phụ huynh còn e ngại cô giáo trẻ còn “non” tay… Đó là những áp lực của cô Thanh gặp phải trong thời gian đầu dạy học. Nhưng với tấm lòng yêu nghề, mếm trẻ, cô không chùn bước, vẫn giữ vững quyết tâm cũng như kiên định với mục đích đến với nghề, vẫn ngày ngày đến trường, bám lớp, mang tình yêu thương đến với các em nhỏ vùng cao. Cô Thanh vẫn lặng lẽ vượt qua khó khăn bằng cách miệt mài trau dồi kiến thức, kỹ năng của bản thân và không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, từ các phương tiện hỗ trợ khác, đặc biệt là cô đã xin đi học lớp tiếng dân tộc Dao Thanh Phán với một mong muốn có thể giao tiếp với trẻ, với phụ huynh bằng tiếng dân tộc, giúp cô có thể thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cô Hoàng Thị Thanh đang hướng dẫn các cháu chơi trong giờ Hoạt động góc
Tuy công việc của giáo viên mầm non nhiều vất vả nhưng không làm các cô giáo như cô Thanh nản lòng. Bản thân cô luôn mong muốn có những tiết dạy sáng tạo, gây được hứng thú và thu hút sự tham gia của trẻ; đặc biệt là cô muốn tạo ra một môi trường học tập và vui chơi phong phú và đa dạng, có nhiều đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Để làm được điều này, cô giáo Hoàng Thị Thanh đã tận dụng những phế liệu như: Vỏ chai nước, vỏ ốc, vỏ sò, đĩa CD, muỗng nhựa… làm đồ chơi. Cách này vừa tiết kiệm, lại vừa có thể tạo ra nhiều đồ chơi cho trẻ hoạt động.
Cô Thanh chia sẻ: “Để đạt hiệu quả cao trong việc nuôi dạy trẻ thì giáo viên cũng phải biết chia sẻ, lắng nghe và quan tâm đến trẻ mỗi ngày bằng cách giao tiếp ngắn về cuộc sống của trẻ, xây dựng mối quan hệ thân thiện với trẻ, với phụ huynh và đồng nghiệp. Chú ý thay đổi phương pháp dạy, đổi mới hình thức tổ chức, đồ dùng hấp dẫn với trẻ thì sẽ cuốn hút trẻ tương tác và phát huy trí tuệ”.
Cô Thanh hóa trang làm Chú Cuội vui chơi cùng các em nhỏ
Là một tổ trưởng chuyên môn, một giáo viên có kinh nghiệm trong nghề nên cô giáo Hoàng Thị Thanh sẵn sàng chia sẻ với chị em đồng nghiệp trong trường, luôn nhiệt tình hỗ trợ và giúp đỡ giáo viên gặp khó trong tiết dạy. Mặc dù có con nhỏ nhưng cô Thanh vẫn dành nhiều thời gian cho công việc ở trường, ưu tiên công việc lên hàng đầu. Đây cũng là tấm gương tận tâm với nghề, nhân hậu với trẻ để giáo viên của trường noi theo.
Vững tâm với nghề nuôi dạy trẻ, sống đúng với đạo đức nghề nghiệp là bí quyết để cô Thanh dạy tốt, luôn là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện được đồng nghiệp thương mến. Hơn 12 năm giảng dạy dưới mái trường mầm non thân yêu, cô giáo Hoàng Thị Thanh đã đạt nhiều danh hiệu giáo viên giỏi cấptrường, cấp huyện; là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền; nhiều năm được UBND huyện Bình Liêu tặng giấy khen, năm học 2017 - 2018 được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì những thành tích nổi bật của cô trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hình ảnh cô Thanh đang tham gia đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị viên chức
( Tác giả: Ngô Thị Viền – Trường Mầm non Đồng Tâm)